TRẦM HƯƠNG KHÔNG CÒN LÀ CỦA TRỜI CHO (PHẦN 1)

Quý hiếm vậy nhưng thương hiệu "Trầm hương Việt Nam" mất dần trên thị trường hương liệu, dược liệu thế giới khi mà cây Dó bầu hầu như không còn trong tự nhiên.

Ly kỳ chuyện "mò kim đáy bể"

 

 

Trong tự nhiên, 1.000 cây Dó bầu có một cây cho trầm, một triệu cây Dó bầu chưa chắc đã có một cây cho Kỳ nam (nếu trồng tập trung khoảng 1.000 cây/ha thì phải 12ha sau 100 năm may ra mới có một cây Dó bầu cho Kỳ nam). Xưa kia, người tìm trầm nhìn cây, nhìn lá biết trong thân hay dưới rễ có trầm mới quyết định đốn hạ, đào gốc, còn không thì giữ lại cho rừng, cũng là cho mình, cho con cháu mai sau. Sau này, hễ gặp cây Dó bầu, dù mới bằng bắp tay, phu trầm đều đào tận gốc, trốc tận rễ, nên giờ con người mới phải tích cực gây trồng lại.

 

Zalo

Tương lai của cây Dó bầu vẫn là vấn đề trăn trở

 

Việc trồng trong vườn để làm cảnh hay khi phá rừng làm rẫy, dựng nhà, có người giữ lại những cây Dó bầu nay đã thành cổ thụ, thành "cây di sản" không là chuyện mới, nhưng gầy dựng loại cây này theo cách lập vườn rừng, vườn hộ như trồng cây keo lá tràm lấy gỗ thì mới có 20 năm trở lại đây. Theo thống kê, nước ta có 25 tỉnh trồng cây Dó bầu, đã trồng khoảng 18.000ha, tập trung ở Hà Tĩnh, Quảng Nam mỗi tỉnh khoảng 3.000ha, còn lại là ở Bình Phước, Bình Dương, Đồng Nai, An Giang, Kiên Giang,... mỗi tỉnh trên dưới 500ha.

 

 

Trầm hương của nước ta nổi tiếng từ thế kỷ III, thời quốc hiệu Âu Lạc, bởi những thương nhân Ấn Độ và Trung Hoa chuyển qua con đường tơ lụa tới Trung Á và bán đảo Ả Rập, vậy nhưng chỉ trong 25 năm, từ 1975 - 2000, cây Dó bầu bị phu trầm săn lùng, đốn hạ đến tiệt diệt, dù có đầy đủ ban bệ, trạm chốt bảo vệ rừng từ Trung ương đến làng bản.

 

Zalo

Bất chấp tính mạng để săn lùng Trầm hương trong rừng sâu

 

Khoa học phát triển, con người nghiên cứu Trầm hương và Kỳ nam chính là nhựa của cây Dó bầu tiết ra để chống "vật thể lạ" xâm nhập, như vi khuẩn, nấm hay kiến, ong đục lỗ làm tổ, tức "cơ chế" tạo Trầm giống như cơ chế tạo ngọc của con trai, tất nhiên là với rất nhiều chuyển hóa hóa học bởi còn bị tác động bởi thổ nhưỡng, khí hậu. Không còn cây Dó bầu trong tự nhiên ở Việt Nam trong khi các nước có loại cây này mới đáp ứng được khoảng 20% đến 40% nhu cầu của thế giới về hương liệu và dược liệu từ Trầm hương, nên đã có người tiên phong mở ra hướng sản xuất nhân tạo.

 

Zalo

Quét hóa chất và khoan lỗ bơm dịch là phương pháp tạo trầm phổ biến

 

Cuộc đua làm giàu

 

 

Việt Nam chưa có viện hay trung tâm chọn giống, nghiên cứu kỹ thuật trồng, đặc biệt là tìm ra chất tạo trầm an toàn, hiệu quả cho cây Dó bầu, nên mạnh ai nấy làm, vì thế mới có tình trạng khi xuất tinh dầu trầm ra nước ngoài, người ta phát hiện có chất độc dioxin. Cũng vì thế mà năm 2012, Trầm hương nguyên liệu dạng khúc hoặc mảnh mỗi kg có giá 15 - 20 triệu đồng, nay chỉ còn 2,5 triệu đồng, mỗi lít tinh dầu trầm của các nước có giá hàng chục đến hàng trăm ngàn USD, của Việt Nam xuất sang một số nước phương Tây và Trung Đông cao nhất bằng nửa giá ấy.

 

 

Do được thổi phồng quá mức hiệu quả, như ngoài cho trầm còn cho gỗ làm đồ mỹ nghệ, gia dụng, làm bột giấy, bột nhang, lá làm trà, làm dược liệu, vỏ làm sợi nên 15 năm trước đã dấy lên phong trào ồ ạt trồng Dó bầu, thậm chí có nhiều gia đình ở các tỉnh Đông Nam bộ, ở An Giang đốn cây cao su, cây ăn trái để trồng Dó bầu, kết quả là các cơ sở cung cấp cây giống được lợi, còn đa số nhà vườn "lãnh đủ" vì trông chờ mãi vẫn không thấy Trầm, thậm chí áp dụng nhiều phương pháp tạo Trầm trên cây nhưng xác suất thành công rất thấp kèm theo rủi ro chết cây cao.

 

 

Nhưng công bằng mà nói, những năm qua cũng có một số người "trúng trầm" vì chưng cất được tinh dầu hay bán trầm khúc, trầm mảnh, nhiều nhất là trúng "dịch vụ tạo trầm". Dó bầu phải trên 10 năm tuổi mới được cấy chất tạo trầm, nhưng nhiều "kỹ thuật viên" đã thuyết phục chủ vườn để khoan, vô hóa chất (mà không biết chất gì) những cây mới 6 - 7 tuổi, nên làm chết đến 70%.