Thử nghiệm cấy trầm sinh học trên cây dó bầu
TMO - Mới đây, Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Khánh Hòa vừa triển khai nghiệm thu đề tài khoa học “Thử nghiệm phương pháp cấy trầm sinh học trên cây dó bầu tại Khánh Hòa” (giai đoạn 2020-2022). Kết quả thu được đem lại nhiều triển vọng về kỹ thuật cấy trầm.
Việc thử nghiệm phương pháp cấy trầm sinh học trên cây dó bầu được thực hiện bởi các kỹ sư tại Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường tỉnh Khánh Hòa. Đề tài triển khai tại 3 địa điểm thuộc các huyện: Vạn Ninh, Khánh Vĩnh và Cam Lâm với 3 mô hình. Đây là những địa phương điều kiện sinh thái và lập địa phù hợp với cây dó bầu đã trồng thành công từ nhiều năm trước đây. Mỗi mô hình chọn 30 cây đủ tiêu chuẩn, theo từng nghiệm thức với 3 loại chế phẩm khác nhau. Quá trình thử nghiệm thành công sẽ là động lực giúp phục hồi vùng nguyên liệu và danh xưng “Xứ Trầm hương”.
Theo Công ước quốc tế về buôn bán các loài động thực vật hoang dã nguy cấp, cây dó bầu nằm trong danh sách các loài đang bị đe dọa, có nguy cơ tuyệt chủng.
Hội Trầm hương Việt Nam cho biết, để phát triển phương pháp cấy tạo trầm hương cần phải xác định giống dó bầu cho từng vùng sinh thái, nghiên cứu kỹ thuật tạo trầm phù hợp để tạo ra năng suất và chất lượng tối ưu. Mục tiêu chủ yếu của đề tài là xác định phương pháp và chế phẩm sinh học phù hợp để tạo trầm trên cây dó bầu, hướng đến việc bảo tồn và phát triển nguồn gen cây dó bầu bản địa.
Phương pháp cấy trầm sinh học trên thân cây dó bầu
Việc thử nghiệm cấy tạo trầm bắt đầu từ tháng 5-2020. Sau 18 tháng đã hình thành các vệt trầm có màu đen sậm, nhìn rất rõ nét, khi đốt có mùi thơm đặc trưng của trầm hương. Đề tài đã tiến hành khai thác 15 cây/mô hình (50% số cây). Sản phẩm chính thu được gồm: Trầm cảnh, trầm miếng, trầm tok. Ngoài ra, còn khá nhiều trầm vụn và trầm nhang (hơn 10kg). Bình quân sản phẩm 1kg/cây. Khác biệt về khối lượng sản phẩm giữa 3 nghiệm thức không đáng kể, màu sắc và mùi hương giữa các mô hình và nghiệm thức đều tương đồng
Các chuyên gia và người có kinh nghiệm về trầm đều thống nhất nhận định, các sản phẩm đều đạt yêu cầu về màu sắc và hương thơm đặc trưng của trầm hương. Các chế phẩm sinh học sử dụng trong các mô hình đều đảm bảo kích trầm thành công, nhưng chưa thể so sánh và đánh giá loại nào tốt hơn.
Kết quả tạo trầm 84/90 cây, đạt 93,3%, trong đó mô hình ở Vạn Phước đạt 96,7%. Kết quả cũng góp phần hoàn thiện quy trình cấy tạo trầm sinh học phù hợp với điều kiện Khánh Hòa, cung cấp thêm dữ liệu về nghiên cứu ứng dụng các chế phẩm cấy tạo trầm.
Nguon : Thiennhien&moitruong